Welcome to @Dr.Hoa Xà
“chân thành lo gì người không hiểu
Cứ bao dung sẽ thấu hiểu được nhiều
Cứ cho đi dù chăng là bao nhiêu
Sẽ nhận lại được muôn điều tốt đẹp.
Cứ thử sống không cần theo khuôn phép
Chỉ là mình tâm hồn đẹp thế thôi
Không ta bà vào những chuyện lôi thôi
Sẽ thấy đời được trăm lời đón nhận.
Cứ gặm nhấm những điều còn vương vấn
Để thấy rằng vướng bận cũng qua đi
Cứ nghĩ suy điều cần thiết là gì
Sẽ hướng đúng cho đời lui hoặc tiến.
Bởi cuộc sống không có gì bất biến
Đời người đâu chỉ dâng hiến mãi hoài
Nên phía trước là tất cả tương lai
Hãy vững tin vì không gì không thể…!
VỮNG TIN”
H | B | T | N | S | B | C |
---|---|---|---|---|---|---|
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | |
7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 |
14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 |
21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 |
28 | 29 | 30 | 31 |
- nụ cười tháng 10
- khát khao và chuyển giao có ổn không?
- bạn có bán hàng không?
- nghe gì-nói gì-làm gì?
- a trà aha HOA XÀ GIẢI ĐỘC
mời trà
@Dr.Hoa xà https://hoaxa.vn/category/hoa-xa-giai-doc-functions
Trích dẫn từ GS. Trương Nguyện Thành
ĐỂ CÓ GIẤC MƠ LỚN PHẢI BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG GIẤC MƠ NHỎ
Ngày 06/10/2022, tại Hội trường Đại học Kinh Tế Huế , GS.TS. Trương Nguyện Thành (Tiến sĩ Hóa tính toán tại Đại học Minnesota, Giáo sư Đại học Utah, Nhà khoa học trẻ tài năng bình chọn bởi National Science Foundation (Mỹ); Nguyên Hiệu phó Trường Đại học Hoa Sen; Nguyên Hiệu phó Trường Đại học Văn Lang) đã có cuộc nói chuyện về chủ đề “Dám mơ, Dám làm, học để làm gì”. PGS.TS. Trương Tấn Quân, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế; Bà Phan Thị Thúy Vân, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế, cùng các giảng viên và sinh viên Đại học Kinh tế Huế đã dành thời gian tham dự. Sự kiện do Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế (HUEIDS) phối hợp cùng Đại học Kinh tế Huế tổ chức.
PHẦN I.
Tôi từng không có vinh hạnh để mơ!
Cám ơn Viện Nghiên cứu Phát triển Tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại học Kinh tế Huế đã tạo cơ hội cho tôi trò chuyện với các bạn sinh viên khi dừng chân tại Huế, trên hành trình đạp xe Xuyên Việt từ Lũng Cú (Hà Giang) đến Đất Mũi (Cà Mau).
Xin hỏi, khi nghe ông già 61 tuổi đạp xe xuyên Việt, liệu các bạn có thầm nghĩ đây là một chuyện điên rồ, không tưởng?!
Tôi chỉ là một nhà khoa học, một giảng viên. Sự vận động lớn nhất mỗi ngày mà tôi từng làm trước kia là đứng dậy đi vào nhà vệ sinh. Gen nhà tôi rất xấu. Ba qua đời năm 45 tuổi vì đột quỵ, mẹ qua đời năm 62 tuổi vì tiểu đường và ung thư gan và anh trai vừa qua đời năm 63 tuổi vì tim yếu. Năm nay tôi 61 tuổi, bạn có thể hiểu điều gì trong suy nghĩ của tôi. Sức khỏe của con người quyết định bởi hai yếu tố gen và thói quen. Thế nên tôi tập trung rèn luyện sức khỏe để bù lấp các yếu tố có tính di truyền này.
Vậy điều gì đã thúc đẩy ông già này làm những chuyện không tưởng?!
Tôi làm được vì tôi có ước mơ. Tất cả chúng ta đều có ước mơ. Để hiện thực ước mơ, chúng ta phải đi qua vô số những nỗi lo sợ. Nhưng bao nhiêu người dám làm?!
Xuất thân trong một gia đình nghèo, nhà có 9 anh em. Năm tôi 11 tuổi, ba bị liệt nửa người nên tôi phải đi bán thuốc lá ở bến xe lam Gò Vấp, sau đó về Lái Thiêu (Bình Dương) cày mướn, làm nông thuê để phụ lo cho gia đình. Mỗi bữa chỉ ăn cơm độn khoai mì (sắn). Đói. Không có ăn nên tôi không có vinh hạnh để mơ. Tôi chỉ ước ao có một dĩa cơm Tấm đầy ắp thịt và được ăn một mình hết dĩa cơm đó mà không phải chia cho anh em.
Ước mơ vốn không có giới hạn, nhưng kiến thức và trải nghiệm của bạn sẽ mở ra các biên độ của giấc mơ.
Tôi đến Mỹ năm 19 tuổi, không người thân, không ngôn ngữ, không hiểu văn hóa. Bản năng thôi thúc tôi, nhắc nhở tôi “phải sống, phải tồn tại”. Tôi cũng ghi khắc sâu vào tâm khảm câu nói của ba: “Học để thoát nghèo con ạ!”.
Khi được theo học năm cuối trung học tại Mỹ, tôi thấy mình bắt đầu có cơ hội. Hiểu câu dặn dò của ba, tôi tập trung hoàn toàn vào chuyện học. Nhưng điều này thực sự không hề đơn giản với một đứa trẻ không thân thích ở xứ người. Tôi nhận thức rất rõ muốn tồn tại và phát triển ở đất nước này phải giỏi gấp 2 – 3 lần so với người bản xứ cùng trang lứa.
Từ đây, ước mơ của tôi bắt đầu tăng lên thêm một bậc. Tôi muốn vào đại học. Chỉ có học mới giúp mở mang kiến thức, và trải nghiệm giúp mình mở ra ước mơ. Nếu không học có lẽ mãi mãi tôi cũng chỉ mơ có đủ ăn đủ mặc.
Vì không biết Tiếng Anh nên tôi không đủ tiêu chuẩn vào đại học. May thay các thầy cô ở trường trung học viết thỉnh nguyện thư một trường đại học gần nhà ba mẹ nuôi sau khi họ từ chối hồ sơ. Tôi được nhận vào học thử một năm kèm điều kiện phải chứng minh được năng lực trong năm học đầu tiên.
Vào được đại học rồi, tôi tìm việc làm thêm để có đủ trang trải và đứng trước hai sự lựa chọn: (1) Làm việc khó ít tiền nhưng có cơ hội học hỏi (như làm việc trong phòng thí nghiệm); (2) Làm việc dễ lại có nhiều tiền (như làm việc ở nhà hàng). Đa số sinh viên chọn cái dễ, còn tôi vì muốn có cơ hội học hỏi nên tôi chọn cái khó. Tôi nghĩ, vào làm việc tại phòng thí nghiệm sẽ học được điều gì đó. Sau đó tôi có cơ hội làm việc tại phòng thí nghiệm của GS. Mark Gordon (học trò của John Pople, người nhận giải Nobel năm 1998). Trong khi sinh viên thường chọn bạn bè cùng trang lứa thì tôi chọn ở xung quanh nghiên cứu sinh, tiến sĩ, những người giỏi hơn mình nhiều bậc. Tôi nỗ lực học hỏi từ tương tác với họ.
Sau bốn năm đại học, tôi ra trường với bằng Cử nhân Hóa học hạng Giỏi, cùng các bằng phụ, Toán, Vật lý, Công nghệ Thông tin, và sém cầm thêm bằng Xác suất thống kê, cùng 4 bài nghiên cứu tương đương một luận án Tiến sĩ. Một ước mơ mới mở ra với tôi: Đi học Cao học!
Lúc ở Việt Nam có nghĩ đến ước mơ này không?! Thưa KHÔNG.
Lúc mới đến Mỹ, có ước mơ này không?! Thưa, KHÔNG.
Sau bốn năm đại học, vì tôi biết nghiên cứu nên mới mơ học cao học. Thầy tôi, GS. Mark Gordon khuyên: “Em hãy chọn một sư phụ giỏi chứ không nên chọn trường”. Và lời khuyên này đã mở ra hành trình Nghiên cứu khoa học của tôi.
Vào Cao học, ước mơ của tôi lại lên một tầm cao mới.
Học Cao học phải trải qua rất nhiều thử thách nhưng cuối hành trình ấy tôi lại có thêm nhiều sự lựa chọn. Hoặc đi làm cho công ty, hoặc đi dạy. Người thầy hướng dẫn của tôi, GS. Andy McCammon (học trò của GS. Martin Karplus, Nobel Prize 2013) khuyên nên theo con đường học thuật, trở thành giáo sư khi trên tay tôi đang cầm lá thư mời nhận việc nghiên cứu cho doanh nghiệp với lương cao. Tôi đắn đo lắm, không tự tin với chính mình nhưng thầy đưa ra một nhận định ngắn gọn: “Em ra làm doanh nghiệp là một mất mát lớn cho khoa học và giáo dục Mỹ”. Tôi nhìn ông và hỏi: ‘Thầy nghĩ thế à?”. Ông chỉ gật đầu.
Tôi run lắm, nhưng tôi tin thầy tôi. Sau đó, tôi được nhận làm giáo sư của Đại học Utah (Mỹ).
Ngày đầu tiên đến Mỹ vào năm 1980, tôi chỉ có một bộ áo quần. Đến cuối năm 1990, tôi cầm trên tay tấm bằng Tiến sĩ danh giá, được nhận học bổng Nhà khoa học trẻ tài năng bình chọn bởi National Science Foundation (Mỹ). Năm 1992 trở thành giáo sư phụ giảng tại Đại học Utah (có Khoa Hóa được xếp hạng 30 – 40 trên toàn cầu). Sau khi trở thành giáo sư đại học, có phòng thí nghiệm riêng, có học trò, một ước mơ mới lại mở ra với tôi, chính là nghiên cứu khoa học và có những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị.
Ước mơ vốn không có giới hạn, nhưng ước mơ của bạn sẽ bị giới hạn bởi kiến thức và trải nghiệm bạn có. Chỉ khi bạn bước khỏi một tầng, mới mở ra tầng cao hơn. Cứ như vậy, leo lên càng cao thì ước mơ càng xa hơn và tầm nhìn cuộc đời sẽ dài hạn hơn. Ước mơ của tôi không còn là dĩa cơm Tấm và thoát nghèo. Nó đã khác xa nhiều rồi. Việc học đã mở ra cho tôi những chân trời mới.
Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống. Bill Gates, Steve Job, tôi, và các bạn, ai cũng chỉ có mỗi ngày 24h. Sự khác biệt nếu có chỉ là cách chúng ta sử dụng 24h đó như thế nào. Tất cả đều nằm trong sự lựa chọn của bạn. Chúng ta cần dành mỗi ngày 8h để ngủ, sử dụng 2/3 thời gian còn lại như thế nào sẽ ảnh hưởng đến tất cả những gì sau này của bạn.
Cuộc đời là chuỗi sự lựa chọn. Chọn cái mốc này, ngã rẽ này, sẽ dẫn ta đến những cột mốc tiếp theo. Và thường thì chúng ta đi tiếp chứ ít khi quay lại.
Hành trình Lũng Cú – Đất Mũi của tôi phải đối diện với những con đèo cao và các nguy hiểm khó lường. Hành trình cuộc sống của các bạn sau khi rời khỏi trường đại học, thử thách sẽ dồn dập đến. Thực tế về cơm áo gạo tiền, sự nghiệp, tình cảm… ập đến. Sinh viên là khoảng thời gian vui vẻ nhất!
Vậy các bạn cần chuẩn bị những gì?!
Ngay từ bây giờ, vì chưa có gánh nặng, hãy trải nghiệm những điều mình chưa từng làm, hay từng làm mình sợ hãi. Những trải nghiệm, những thử thách làm mình sợ… là những lúc mình đang học hỏi. Trong không gian an toàn, bạn chưa học hỏi được gì. Phải bước ra khỏi không gian đó bạn mới bắt đầu học hỏi, trải nghiệm cái mới, thu thập kinh nghiệm cuộc sống. Không phải tất cả kinh nghiệm, trải nghiệm đều hạnh phúc. Cuộc đời là có thành công và thất bại. Quan trọng là mình học được gì từ nhứng thất bại đó, khi lặp lại sẽ làm tốt hơn.
Ví dụ, tôi đã học được bài học không phanh gấp sau khi bị té ngã lúc lao dốc đường trong bản người Hmong nhỏ hẹp, một bên là vách núi, một bên là vực sâu ở Hà Giang. Sau đó, khi đổ dốc qua những con đường đất nhiều sình lầy, đá tảng, trơn trượt vì trời mưa ở Hà Tĩnh, lúc phải đối diện với tất cả các lựa chọn đều xấu: (1) Lao thẳng xuống sình lầy; (2) Lách vũng sình và có nguy cơ té ngã; tôi chọn (2) vì đã có kinh nghiệm. Nhưng vì trời mưa, tôi bóp thắng lách xe và trượt té, cày lưng xuống đường, trầy vai và gối. Nó tương tự như có đôi lúc trong cuộc sống, bạn nghĩ đã mình đã giỏi, hoặc đã học đủ rồi nhưng phía trước vẫn có lúc cần học lại.
Trên hành trình Xuyên Việt, tôi đã học được rất nhiều ngoài sự tự tin. Tôi đi qua bão Noru trong mưa. Hay đạp xe trên bờ ruộng, bờ sông, leo bờ kênh bên bê tông, bên nước… vừa đạp vừa run. Đi xe đạp đủ chậm để cảm nhận phong vị cuộc sống của từng vùng miền. Tôi còn học thêm nhiều về lịch sử, địa lý, văn hóa, ẩm thực, phong cách sống. Có tỉnh phía Bắc, đi qua thấy họ gặt lúa non, tôi xuống hỏi mới biết họ gặt lúa này để làm cốm. Đó là những bài học thực tế chúng ta khó học được ở đâu. Và tôi đảm bảo sẽ không bao giờ quên những bài học đó!
Trải nghiệm sẽ cho bạn sự tự tin. Bạn học bao nhiêu lý thuyết trong trường lớp vẫn chỉ là kiến thức trong bạn. Cho đến khi bạn trải nghiệm, bạn sử dụng nó, thì mới thực sự là học. Lời khuyên của tôi là, khi còn đi học nên đi tìm những câu hỏi để biết cuộc đời cần gì. Hãy mở biên độ ước mơ của mình rộng ra và suy nghĩ về việc làm gì với 24 giờ của mình. Tìm cơ hội trải nghiệm, biết mình có thể sai và ứng dụng trong cuộc sống. Khi bước ra khỏi vùng an toàn mới đến vùng phát triển. Một ngày nào đó quay đầu nhìn lại sẽ thấy cuộc đời mình đáng sống và giá trị. Mong là các bạn sẽ chắt lọc được điều gì đó cho bản thân!
Cảm ơn bạn Diễm Châu đã tham dự và viết lại recap cho bài chia sẻ.
Trương Nguyện Thành
Phần II sẽ là những câu hỏi và trăn trở của sinh viên và GV.
còn tiếp…