mòn dép mới sưu tầm được & sẻ chia
ĐIỀN – ĐỊA CHỦ NAM KỲ
CÓ ÁC THẬT KHÔNG?
Ít nhứt là ở trường hợp các địa chủ xứ Nam kỳ, các bạn làm phim, viết tiểu thuyết có hư cấu cũng vừa vừa thôi, chịu khó đầu tư kiến thức, tìm đọc tài liệu một chút.
Coi phim mà nói về thời Pháp, kiểu gì cũng có lồng ghép vô vấn đề ” Địa-chủ với Tá-điền”, và luôn theo lối Địa chủ ác vàng trời mây xanh, bóc lột Tá điền tới hột thóc cuối cùng trong lu.
Các bạn nên biết, thời Pháp thì 80% đất canh tác ở Nam kỳ, tương ứng với 1,8 triệu ha (mẫu), được giới Địa chủ chia thành các tô địa có diện tích từ 5 tới 10 ha, có trường hợp tới 20 ha, giao cho Tá điền làm.
Về đơn vị đo lường (mẫu), ha, thì thời Pháp, và cho đến ngày nay ( một số vùng), 3 miền có cách tính khác nhau:
Nam kỳ: 1 mẫu= 10.000m2
Trung kỳ: 1 mẫu (xấp xỉ) 4800m2
Bắc kỳ: 1 mẫu (xấp xỉ) 3600m2
Và giữa Địa chủ, Tá điền có các giao kèo cụ thể, không phải chủ muốn chèn ép, ăn trên đầu trên cổ Tá điền là được đâu? Theo đó, Địa chủ bỏ ra đất, đóng thuế cho chánh quyền, phía Tá điền tức nhiên bỏ công sức ra, cùng với các vật dụng làm nông. Và quan trọng chỗ ăn chia, trung bình là Địa chủ sẽ được chia phân nửa số thóc, lúa.
Rõ ràng đây là giao dịch làm ăn, dựa trên sự tự nguyện của đôi bên, và tui nhận thấy khá công bình đó chớ, đâu ai ép ai?
Sẵn nói thì nói sâu thêm xíu, về đời sống của nông dân Việt Nam lúc đó. Cuộc sống, mức sanh hoạt, ngân sách của gia đình một tá điền trong Nam là 154$, gần gấp đôi ngân sách của một gia đình Nông dân được gọi là tương đối khá giả ở Bắc kỳ cùng thời điểm.
Giá vàng lúc đó rơi vô khoảng 30 – 50$ một lượng (cây), với mức ngân sách 154$/ năm, cuộc sống các Tá điền ở Nam kỳ đâu đến mức bi đát như trong phim hay tiểu thuyết vẫn ra rả lâu nay?
Tức nhiên vẫn có những trường hợp Địa chủ hà bá, ác nhơn, nhưng số đó nó ít và cũng không ác đến độ như phim miêu tả. Và càng không dễ gì có chuyện ban đêm Địa chủ mò vợ Tá điền kiểu như đi khám điền thổ trong Ngao Sò Ốc Hến, vì Tá điền có nhà ở riêng, cách xa nhà Địa chủ, ban đêm mò vô nó tưởg ăn trộm đập cho bờm đầu.
Tui không ca tụng gì người Pháp, không bợ đỡ gì mấy ông bà Địa chủ, gọi trúng hơn là Điền chủ, nhưng thực tế lịch sử nó làm sao thì nói như vậy, có hư cấu cũng vừa thôi, cứ như kiểu Địa chủ bóc lột, hút máu Tá điền, rù quến vợ người ta.
Các bạn nên nhớ, năm 1939 toàn cõi Việt Nam có 6.800 đại Điền chủ, riêng Nam kỳ chiếm hết 6.300 người, việc một điền chủ nắm trong tay 50-100 mẫu đất rất bình thường, cá biệt có người sở hữu vài ngàn, vài chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn mẫu (bằng cái quận) như ông Trương văn Bền chủ hãng xà bông nổi tiếng với nhãn hiệu Cô Ba có 18.000 mẫu, gia đình ông Bùi Quang Chiêu có cả chục ngàn mẫu, gia đình ông Huỳnh Tấn Phát (có tên đường) cũng là đại điền chủ. Bản thân ông Huyện Sĩ và con cháu đều sở hữu riêng vài chục ngàn mẫu ruộng.
Và để sở hữu số ruộng đất bành ky như vậy, họ phải bỏ tiền ra mua hoặc bỏ tiền ra mướn người khai khẩn đó chớ. Thậm chí bị ép mua như ông Huyện Sĩ Lê Phát Đạt.
Với số Địa chủ nhiều và số lượng diện tích đất canh tác lớn như vậy, nếu họ ác như phim thì ai làm cho họ, không làm cho ông Điền chủ nầy thì Tá điền có thể hợp tác với ông Địa chủ khác. Thực tế thì Địa chủ rất cần Tá điền.
Còn nữa, những người yêu nước chắc biết phong trào Duy Tân ngoài Trung, Bắc, trong Nam có Minh Tân, theo lời kêu gọi của các nhà trí thức yêu nước như Trần Chánh Chiếu, Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Phan Long… các nhà giàu tại Nam kỳ, trong đó có rất nhiều Địa chủ đã bỏ tiền túi ra tài trợ cho các học trò nghèo học giỏi được qua Nhựt du học.
Trong số 200 du học sanh sang Nhựt du học lúc đó, hơn 100 người là ở Nam kỳ, và tiền của cho 200 học sanh đó đi học là từ các nhà yêu nước, Điền chủ Nam kỳ bỏ ra theo lời kêu gọi của các Nhơn sĩ Nam kỳ. Nhưng khi nhắc về Đông du, người ta chỉ đề cập Phan Bội Châu như người có công đầu. Theo Niên biểu của Phan Bội Châu, Nam kỳ khi đó có 400 người đi du học Nhựt, Châu Âu.
Chưa kể năm 1940 có 100.000 tấn gạo trong Nam kỳ được chở ra cứu đói đồng bào ngoài Bắc do nạn nhơn mãn trầm trọng ngoài đó, cũng có không ít là gạo của các ” Địa chủ ác ôn” đó chớ.
Và, cuối cùng tui muốn nói: cuộc sống của Tá điền ở Nam kỳ chưa bao giờ bi đát, bần cùng, tuyệt vọng như trong phim ( trên số đông) ít nhứt là từ đầu đời Nguyễn cho đến giai đoạn 1945-1954.
Các bạn có thể tham khảo thêm từ ” Vùng đất Nam bộ dưới thời vua Minh Mạng” và” Việt Nam thời Pháp đô hộ” nhé!
Nguồn: Đất Nam Kỳ.
Ảnh internet: Vợ chồng địa chủ Trương Văn Bền và xà bông Cô Ba nổi tiếng một thời ở Nam Kỳ.
Cảm ơn tác giả và PGS.TS Bui Tran Phuong
H | B | T | N | S | B | C |
---|---|---|---|---|---|---|
1 | 2 | 3 | ||||
4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 |
18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 |
25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 |